Theo một số chuyên gia tâm lý, nhà nghiên cứu thì cảm giác xấu hổ huỷ hoại óc sáng tạo, đem lại suy nghĩ tiêu cực và lâu dài ăn mòn ý chí phấn đấu của một người muốn thành công.
Trong cuốn sách “The Happiness Industry” của mình, nhà kinh tế học chính trị Williams Davies đã viết rằng các CEO ngày nay đang dần trở thành các “chuyên gia tâm lý”, lo lắng cho cả hạnh phúc của nhân viên lẫn các hoạt động kinh doanh.
Ví von như vậy có vẻ là hơi quá, nhưng tốc độ sáng tạo rõ ràng là phụ thuộc vào việc có thêm các lãnh đạo không ngại thể hiện cảm xúc trong công việc. Nhờ chia sẻ cởi mở về các thất bại của mình, các lãnh đạo cho thấy việc phải vật lộn chống đỡ khi gặp khó khăn và thất bại là chuyện bình thường.
Nhà nghiên cứu Brené Brown, trong cuốn sách “Daring Greatly” của mình, đã dẫn lại lời của chuyên gia tư vấn quản trị Peter Sheahan, người đặt nền móng cho tư tưởng này:
“Kẻ hủy hoại bí mật óc sáng tạo chính là cảm giác xấu hổ. Bạn không thể đo đếm được nó, nhưng nó có tồn tại. Mỗi khi một người ngần ngại nói ra ý tưởng của mình, không dám đưa ra những nhận xét thích đáng về cấp trên, hay không dám lên tiếng trước mặt một khách hàng, chắc chắn rằng cảm giác xấu hổ là nguyên nhân hàng đầu.
Nếu bạn muốn xây dựng được văn hóa sáng tạo và đổi mới, trong đó các rủi ro về cảm xúc được quan tâm cả ở cấp độ thị trường lẫn cấp độ cá nhân, hãy bắt đầu bằng việc cải thiện khả năng bộc lộ bản thân của các lãnh đạo trước toàn thể các thành viên trong đội ngũ của mình”.
Nói cách khác, cảm giác xấu hổ rất tiêu cực và không mang lại lợi ích gì. Đó là cảm giác sợ bị cô lập. Trong một bài phát biểu, Brown đã chỉ ra rằng cách duy nhất để chống lại cảm giác xấu hổ là tỏ ra trung thực và đồng cảm. “Nỗi xấu hổ sẽ không tồn tại nữa nếu được nói ra. Nó cũng không thể chống lại sự đồng cảm”.
Brown còn cho biết điểm cốt yếu để xóa bỏ thứ cảm giác này là phải biết rõ nó được tạo ra trong hoàn cảnh nào hoặc từ lời nói của ai.
Một điều quan trọng nữa là phải tách bạch bản thân mình ra khỏi tác động của kết quả, kể cả trong công việc lẫn đời tư.
Khi chính con người bạn bị gắn với thành công hay thất bại của công ty, của sản phẩm hay với hiệu quả công việc, “khi đó bạn đã tự ném mình vào đúng chỗ mà mọi người nghĩ”. Trên thực tế, nếu bạn đã nếm trải và mãi vấn vương với vị ngọt thành công, nó còn trở nên nguy hiểm hơn nữa. Điểm mấu chốt là phải giữ một khoảnh cách với các tác động của kết quả.
Cảm giác xấu hổ bắt nguồn từ niềm tin sai lầm cho rằng “Tôi là kẻ thất bại” khi mọi việc không diễn ra tốt đẹp, thay vì suy nghĩ “Hãy thử lại lần nữa”. Các CEO và nhân viên quản lý có thể đóng góp vào việc cải thiện tâm lý này bằng cách truyền tải cho mọi người biết rằng thất bại chỉ là một phần của quá trình dẫn đến thành công, hãy nói với họ theo một cách nhẹ nhàng để họ không cảm thấy xấu hổ và làm giảm sút hiệu quả công việc.
Để lại một phản hồi